Chè Phú Lương từng bước khẳng định thương hiệu

Với diện tích chè đạt hơn 4.200 ha, huyện Phú Lương là địa phương có tổng diện tích chè lớn thứ hai trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, bằng sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn, chất lượng, giá trị sản phẩm chè ngày càng được nâng cao và từng bước khẳng định thương hiệu ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Khoảng 10 năm trở lại đây, giống chè trung du già cỗi đã dần được người dân Phú Lương trồng thay thế bằng giống chè lai LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên… Tuy nhiên, thời gian đầu, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; việc lạm dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu còn nhiều; sản phẩm sau khi sao chỉ được đóng vào túi bóng kính và bán tại các chợ nhỏ, lẻ mà chưa thể mở rộng thị trường tiêu thụ… Vì thế, giá trị cây chè chỉ đạt vài chục đến gần 100 nghìn đồng/kg chè búp khô.

Nhận thấy, cây chè chính là cây trồng chủ lực, giúp nâng cao thu nhập, không chỉ xoá đói, giảm nghèo mà còn có thể làm giàu cho người dân nên những năm gần đây, huyện Phú Lương đã có nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Để khuyến khích người dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè, những năm qua,  bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đã thực hiện phân bổ nguồn lực để tổ chức tập huấn kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho cả 15 xã, thị trấn; chuyển giao khoa học – kỹ thuật máy phun cao áp cho chè kinh doanh; hỗ trợ phát triển các làng nghề… Đặc biệt, từ năm 2017, huyện đã phối hợp với Hiệp hội Làng nghề tỉnh thực hiện Đề án Nhân rộng làng nghề điểm để xây dựng các mô hình sản xuất theo  tiêu chuẩn an toàn và nhân rộng ra các làng nghề khác nhằm xây dựng làng nghề vững mạnh.

Đặc biệt, vừa qua, Phú Lương là địa phương duy nhất của tỉnh có 2 làng nghề phong tặng danh hiệu “Đơn vị kinh tế – du lịch làng nghề tiêu biểu” của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đó là: Làng nghề chè Cụm Khe Cốc, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh và Làng nghề chè xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh. Qua đó, góp phần tạo nên một phong trào thi đua sản xuất, chế biến chè an toàn, phát triển kinh tế giữa các làng nghề chè trên địa bàn huyện. Về phía người dân cũng chủ đông học tập và áp dụng theo mô hình làng nghề điểm như: xây dựng khu chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư tôn quay, máy vò bằng Inox…

Từ việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sản xuất chè đảm bảo chất lượng, huyện cũng từng bước hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dưng và quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu. Theo đó, hàng năm, huyện đều tạo điều kiện cho các làng nghề, xã, thị trấn có cơ hội được trưng bày, quảng bá các sản phẩm của các làng nghề, văn hoá ẩm thực của các dân tộc… tại nhiều hội chợ và lễ hội. 

Năm 2017, huyện đã tổ chức thành công Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè lần thứ nhất. Qua Lễ hội, người dân có cơ hội được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, từ đó hiểu được tầm quan trọng của việc chế biến chè an toàn, sử dụng nhãn mác để quảng bá sản phẩm để nỗ lực phấn đấu để sản phẩm được công nhận chất lượng VietGAP; thương hiệu các sản phẩm chè tại Phú Lương được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

Bên cạnh đó, cuối năm 2018, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chè huyện Phú Lương” để định hướng cho các làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã chè trên địa bàn nắm bắt được ý nghĩa và cách thức của việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu chè…

Nhờ đó, giá trị sản phẩm chè của huyện Phú Lương trên thị trường ngày càng được nâng cao, với giá trung bình khoảng hơn 200 nghìn đồng/kg, đặc biệt, còn có các sản phẩm chè chất lượng cao có giá trung bình khoảng 3 triệu đồng/kg. Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm chè búp khô truyền thống, người dân còn phát triển được các dòng sản phẩm khác như: bột trà matcha, chè túi lọc, kẹo trà xanh. Bên cạnh đó, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc chế biến chè đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP ngày càng nâng cao.

Chị Tống Thị Xuyến, Trưởng xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranhchia sẻ: So với trước kia, giờ đây tôi đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn để cung cấp cho khách hàng. Hiện, trong quá trình sản xuất,tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ, thuốc thảo mộc để trừ sâu bệnh; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuậtvề giống để có sản phẩm chè chất lượng cao. Trong quá trình chế biến và đóng gói, tôi đã xây dựng khu chế xuất sản phẩm an toàn với 100% công cụ sản xuất làm bằng chất liệu Inox; thiết kế và in đa dạng mẫu bao bì để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng…

Chị Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Hiểu được giá trị kinh tế của cây chè mang lại, giờ đây, người dân đã có trách nhiệm hơn trong việc sản xuất sản phẩm chè đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không ngừng đa dạng hoá sản phẩm. Bên cạnh đó, từ khi nhãn hiệu chè tập thể Tức Tranh được công nhận vào năm 2016, ý thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu của bà con cũng được nâng cao. Nếu như trước đây, khi chưa có nhãn hiệu, chè chỉ được đóng túi bóng kính và bán bằng cân, giờ đây, người dân rất cẩn thận trong khâu đóng gói, in nhãn mác và bao bì sản phẩm. Từ đó, một số hợp tác xã, tổ hợp tác đã tự tin và tích cực hơn trong việc tham gia các gian hàng tại hội chợ, lễ hội để quảng bá thương hiệu sản phẩm tới khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chè trên địa bàn huyện còn hạn chế và mới chỉ tập trung ở các xã Tức Tranh, Vô Tranh. Chính vì thế, so với các vùng chè khác trên địa bàn tỉnh thì thương hiệu chè Phú Lương vẫn còn chưa được nhiều người biết đến. Chính vì thế, để tiếp tục nỗ lực phát triển thương hiệu chè Phú Lương, theo ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng 4 xã phía Đông (gồm: Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô) trở thành vùng nguyên liệu chè đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap. Thêm vào đó, để góp phần xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu Chè Phú Lương, bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức các ngày hội, hội chợ để xúc tiến thương mại, huyện sẽ xây dựng các làng nghề chè truyền thống theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm chè kết hợp với duy trì và phát huy nét văn hoá dân tộc của địa phương để tiến tới áp dụng hình thức quảng bá thương hiệu gắn với du lịch cộng đồng…

Phan Trang