OCOP Thái Nguyên: Tiềm năng và kỳ vọng

BV – “Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP – Thái Nguyên” tổ chức lần thứ 1 vừa qua quy tụ sự quan tâm, tham gia của gần 100 sản phẩm từ các địa phương trong tỉnh. Qua đánh giá, lựa chọn ra 25 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Đây là bước khởi đầu hứa hẹn nhiều thành công lớn cho OCOP Thái Nguyên.

Tiềm năng OCOP Thái Nguyên

Thái Nguyên – trung tâm kinh tế xã hội khu vực miền núi, cách Hà Nội gần 100km về phía Bắc, địa hình phân bổ từ miền núi – đồi thấp – đồng bằng, với 8 dân tộc sinh sống (người Kinh chiếm 76%). Nơi đây được ví như “thủ phủ” chè của miền Bắc với Festival Trà, Lễ hội chè, văn hóa chè… là trung tâm xuất khẩu chè đi các nước. 

Với những đặc trưng thế, theo ông Trần Nho Hưởng – Phó chánh văn phòng chuyên trách – Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thái Nguyên: Thái Nguyên có tiềm năng lớn để phát triển các sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng, theo hướng hiện đại, áp dụng KHCN cao để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Riêng về chè, đã có hàng trăm doanh nghiệp/HTX tham gia, mỗi đơn vị có thể đóng góp vài ba, thậm chí hàng chục sản phẩm. Đó chưa kể đến, những sản phẩm đặc thù, đặc hữu của khu vực miền núi, các sản phẩm nông sản (ngoài chè) theo chuỗi liên kết, định hướng hữu cơ được tỉnh chủ trương đẩy mạnh trong thời gian qua.

Có thể nói, Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua đề án Mỗi xã một sản phẩm hồi tháng 7 vừa qua, nêu rõ: Mục tiêu OCOP Thái Nguyên là phát huy tiềm năng sáng tạo của người dân khu vực nông thôn trong tổ chức sản xuất, giúp tăng cường các hoạt động liên kết sản xuất – tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản cũng như các sản phẩm từ vùng nông thôn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới, CNH-HĐH Nông nghiệp – Nông thôn.


Có thể thấy, những gì OCOP Thái Nguyên đang làm được ghi nhận, tích lũy từ thành công trong chỉ đạo, thực hiện những chủ trương táo bạo trong thúc đẩy UD KHCN, sản xuất gắn liền chuỗi giá trị, CNH-HĐH Nông nghiệp nông thôn, xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp…Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP lần 1 vừa qua, có thể nhìn thấy được đại đa số các sản phẩm OCOP tham gia có sự đầu tư bài bản về nhãn mác, bao bì, các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm, một số đơn vị chủ động thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn phục vụ xuất khẩu như ISO, HACCP,… Một số thiếu sót đã được các DN, HTX nhanh chóng khắc phục cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng cao độ đối với chương trình, là cơ sở cho bước phát triển lớn sau này – Ông Trần Nho Hưởng chia sẻ

HTX chè La Bằng – Đơn vị tham gia OCOP với 3 sản phẩm được đánh giá 3 sao trở lên (1 sp 4 sao), là đơn vị hình thành từ vùng chè La Bằng (H. Đại Từ), từ trăn trở khẳng định giá trị thương hiệu “chè La Bằng”. 10 năm gian khó với vị Giám đốc HTX Nguyễn Thị Hải cũng như tập thể thành viên, bà con trong vùng, “Chè La Bằng” đang gần gây thương hiệu uy tín trong và ngoài nước, được khách hàng đón nhận. OCOP 4 sao – Thanh Hải trà là dấu ấn và thương hiệu của “nước mắt”, “mồ hôi” cho hành trình 10 năm đó. Bà Nguyễn Thị Hải chia sẻ: Lần đầu đưa sản phẩm đi tham gia OCOP còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau đó lại nhận được rất nhiều hữu ích từ tăng thêm hiểu biết về sản phẩm, quy cách, tiêu chí để đáp ứng thị trường, cũng như phần nào giúp HTX hiểu cần phải làm thêm những gì cho sản phẩm của mình hoàn thiện hơn, đến được với khách hàng… – Bà Hải bày tỏ cám ơn đối với chương trình cũng như đội ngũ tư vấn, thẩm định trong hội đồng đánh giá vừa qua. Đây cũng là cảm xúc chung của nhiều cơ sở, người dân tham gia OCOP lần rồi.

Những kỳ vọng

Hội nghị lần 1, ghi nhận nhiều sản phẩm được đầu tư bài bản song lại “lỡ làng” với OCOP do thiếu một số tiêu chuẩn bắt buộc. Việc các chủ cơ sở OCOP nhanh chóng tiếp thu, chủ động học hỏi, nhờ tư vấn hoàn thiện… hứa hẹn đột phá cho kỳ đánh giá lần sau. Theo tổng hợp của VPĐP NTM tỉnh, Thái Nguyên hiện có hơn 170 sản phẩm sẵn sàng tham gia OCOP, kỳ vọng sẽ tăng lên 200-300 sản phẩm hoặc cao hơn vào 2020 – 2025.

Tuy nhiên, dù tiềm năng, những vấn đề cố hữu vẫn đòi hỏi Thái Nguyên quyết liệt hơn nữa, tập trung hỗ trợ các HTX tăng cường kiến thức về chất lượng sản phẩm, nhận diện thương hiệu, cũng như công tác thị trường… Sản xuất theo thói quen, tư duy “có sản phẩm là bán” cần được thay đổi sang “sản xuất theo yêu cầu thị trường”…Theo ông Hoàng Duy Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Phú Lương coi trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn liền chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất – tiêu thụ. OCOP là cơ sở quan trọng thực hiện các tiêu chí về kinh tế, tổ chức sản xuất của Nông thôn mới, mang ý nghĩa lớn trong phát triển đời sống – kinh tế, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.

Bà. Nguyễn Thị Ngọc Khuê – Phó phòng quản lý thương mại – Sở Công thương – Thành viên tổ giúp việc hội đồng lần 1, chia sẻ: “…Nhìn chung các sản phẩm tham gia hội nghị OCOP lần này đều đạt chất lượng cao, tiêu biểu của các đơn vị trong tỉnh Thái Nguyên. Qua đợt này, cho thấy các sản phẩm có lợi thế trong cạnh tranh cũng như có tiềm năng xuất khẩu lớn, đặc biệt phải kể đến các sản phẩm chủ lực và là thế mạnh của tỉnh có nguồn gốc từ Chè. Tuy nhiên để đạt được tiêu chí  tiêu chuẩn xếp hạng thứ cao về chất lượng Ocop thì các đơn vị phải không ngừng phấn đấu để hoàn thiện sản phẩm thì mới đáp ứng được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp trên toàn tỉnh. Đối với vai trò cơ quan chuyên môn, Sở Công thương và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp, tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ thông tin thị trường cũng như đẩy mạnh các hình thức xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm – mở rộng thị trường trong và ngoài nước.”

OCOP Thái Nguyên hướng đến triển khai sâu rộng, hình thành hệ thống thực hiện từ cấp xã nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo, tiềm năng nội tại ngay chính mỗi người dân, thu hút người dân tham gia OCOP, từng bước hình thành nên các THT, HTX hiệu quả từ OCOP. – Đó là chia sẻ của ông Trần Nho Hưởng về kế hoạch triển khai OCOP của Thái Nguyên.

Theo đó, ngoài hệ thống tổ chức thực hiện các cấp, Thái Nguyên ưu tiên tập trung công tác tư vấn đến từng HTX, DN, từng SP về chất lượng, quy cách, nhận diện cũng như các hoạt động phục vụ thị trường. Công tác tập huấn đan xen tư vấn được thành lập bởi hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”…Đó còn là việc giao thoa giữa hệ thống làm OCOP và người dân, DN, HTX… cùng chia ý tưởng, chia sẻ vướng mắc để cùng tháo gỡ. Với lợi thế của địa phương, ngoài chè, Thái Nguyên tập trung phát triển các mô hình liên kết nhằm tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Công tác xúc tiến, hỗ trợ bán hàng cho các sản phẩm OCOP cũng được quan tâm đặc biệt./.

Nguồn: Thời báo làng nghề Việt

Bài và ảnh: Nguyễn Nam